Chuyển đến nội dung chính

Hôm nay sẽ là những kí ức đẹp của ngày mai.

 Cuối năm là thời gian người ta thường nghĩ nhiều về việc sum họp nhưng năm nay có những điều rất khác, rất lạc lối so với thường tình bởi vì dịch covid. Một năm của mình thường kết thúc không khác bao người là mấy, chỉ có một điều lúc nào cũng xảy ra như vậy nên đôi khi trở thành chuyện rất đỗi bình thường: chờ chị và các bạn ở xa về tay bắt mặt mừng, về để có mặt với nhau tại cùng một thời điểm và cùng một địa điểm. Thế mà, covid đã khiến những điều nhỏ bé bình thường trở nên khác thường. Bạn bè mình và chị mình không về được. Điều đó không phải là điều ngạc nhiên với nhiều người nhưng với riêng mình, nó là một khoảng trống lạ lùng, một sự bỡ ngỡ đến mơ hồ như một buổi sớm thức dậy vội vàng sau một đêm khó ngủ. Có lẽ cái cảm giác đến hai mươi mấy Tết luôn được gặp những người thân mến từ xa về chất chứa bao nhiêu cảm xúc rộn ràng khó nói hết, cái vui nhè nhẹ như những cơn gió buổi sớm mai trong làn sương se lạnh cùng chút ánh nắng ấm áp. Một cái cảm giác thật dễ chịu và yên lành. Vậy là, năm nay không được đón cái cảm xúc dễ chịu đó nữa. Và một mùa Tết cũng theo đó mà bớt xuân. Tự nhiên lại thấy "thèm". Người ta hay thèm món ăn cay thật cay hay thèm một gói chè nóng hổi mùa đông giá buốt, đây mình thèm cái cảm giác bâng khuâng lúc gặp được những người bạn thân sau mấy lần lỗi hẹn. Cho nhau món quà, cái bánh, cái kẹo cũng đã là quý mà cho nhau "sự hiện diện thân và tâm" ngay lúc có mặt với nhau lại càng vô giá. 

Không dám chê trách nhưng đã bao lần đi ra ngoài vô tình thấy các bạn trẻ có ngồi cạnh nhau đó nhưng tâm trí ở một nơi khác, mình lại thấy tiếc thay. Bởi mỗi khoảnh khắc chúng ta có mặt với nhau ngay lúc đó là một niềm hạnh phúc biết bao nhiêu. Và sự có mặt lại càng quý giá hơn bởi thời gian là thứ không thể nào lấy lại được. Đôi lúc ta nghĩ mình có rất nhiều thời gian nhe, vậy mà cũng thoáng chốc đã thấy mái đầu hai thứ tóc, gương mặt vài nếp nhăn và nụ cười ít ngây ngô hơn nhiều lắm. Nên mình vẫn luôn ưu tiên những buổi gặp nhau dù ngắn ngủi nhưng chân thật vì có bao giờ ánh mắt, nụ cười biết nói dối đâu.
Lại nói chuyện "thèm". Công việc cũng mỗi lúc một bận rộn và Tết năm nào cũng vậy, mình cứ có giảm giác không đủ thời gian làm hết mọi thứ. Và mọi người xung quanh mình cũng tất bật không kém. Mình tự hỏi: Vì sao Tết phải bận, phải nhanh nhỉ? Đáng lẽ Tết là lúc ta quay chậm hơn trái đất, là khoảng thời gian ta gói ghém mọi thứ thật kĩ càng, từ tốn và ngăn nắp; Tết là lúc mọi người cùng làm những điều giản dị chứ nhỉ? Hình như đó chỉ là những suy nghĩ của mình, còn cuộc sống vẫn kéo chúng ta đi theo guồng quay của nó. Nhắm mắt thấy hai chín, ba mươi Tết. Nhắm mắt là thấy bánh kẹo công nghiệp đã sẵn sàng, đã thấy những bữa ăn vội và mứt trái được đóng gói sẵn. Mình... không nghe được mùi của Tết! Mình cứ thấy thiếu thiếu gì đó của riêng mình. Và mình lại nhớ, nhớ cái mùi khói của bếp than lúc mệ (bà nội) mình hong đu đủ, cà rốt để làm món dưa món truyền thống. Nhớ những lát chuối khô tẩm đầy đường được phơi nắng bao ngày trên chiếc mâm sắt mà từ đằng xa đã làm cho những đứa con nít không khỏi "bứt rứt" muốn ăn lấy, ăn ngay. Mình còn nhớ tiếng rì rào của khóm tre đối diện nhà. Tết đến, xuân sang, tre cũng lay lay, xì xào như ngỏ lời với mùa xuân. Bao nhiêu cái thèm không biết để đâu cho hết? Và cũng lắm lúc mình thèm được hồn nhiên như mấy đứa nhỏ chỉ cần nghe Tết là hét lên trong niềm hân hoan vì được nghỉ học và quần áo mới. Chỉ vậy thôi cũng đủ làm cho mấy đứa vui suốt mùa ^^. 

Có ai đó đã nói rằng: hôm nay sẽ là những kí ức đẹp của ngày mai. Có lẽ vậy, với một người hơi hoài cổ như mình chắc là năm nào cũng sẽ "thèm" những dư vị của cái ngày xưa như thế này thôi. 
                                                                                                                           25 Âm lịch 2020

                 
"Cuối năm nâng một chén trà
Cho lòng thêm ấm
  Cho đời thêm xanh"

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trò chơi Trí Uẩn - Tự hào Việt Nam

Có cách nào để trẻ con bớt chơi điện thoại? Lúc trước không có điện thoại mấy đứa trẻ sẽ chơi gì hè? Trò chơi này có lẽ sẽ là câu trả lời rất hay. Đây là quyển sách được ba mình mua cho từ thời lớp 7, lớp 8 gì đó. Lúc đó không hiểu sao chỉ thích mỗi cuốn này và rồi nó mang lại bao nhiêu kí ức đẹp! Dù bây giờ nó không còn vẻ mới mẻ, tinh tươm nhưng bên trong vẫn nguyên vẹn cùng với tinh thần của nó. Trò chơi này gọi là trò chơi Trí Uẩn. Có lẽ đây là trò chơi trí tuệ hàng đầu và rất thuần Việt. Cách chơi cực kì đơn giản: sáng tạo hình chỉ từ 7 miếng ghép gỗ. Bộ đồ chơi từ 7 miếng ghép xếp này được in thành sách vào năm 1956 và được Bác Hồ đặt tên là trò chơi Trí Uẩn (người sáng tạo ra trò chơi này). Thực sự, giờ tìm lại rất khó vì nó không còn xuất bản nữa. Mình may mắn vẫn còn giữ được nó. Bộ này không chỉ có sách mà còn có bộ gỗ 7 miếng. Chắc có lẽ đây là trò chơi mình thích nhất vì đơn giản nhưng cần rất nhiều sự sáng tạo. Và hay nhất ở chỗ mỗi nhóm hình sẽ được minh họa bằng nhữn

"Hãy ở lại bên tôi vào lúc cuối ngày" - Thơ Trần Việt Anh

"Hãy ngồi lại cùng tôi vào lúc cuối ngày Lúc những mặt người đã nhuốm màu mệt mỏi Chỉ ngồi cạnh tôi thôi và đừng bao giờ hỏi Vì sao? Vì những tháng ngày đất thấp trời cao? Vì những ước vọng lớn lao Mà áo cơm lại ghì sát đất Vì đã tất tay cho ván bài cược bằng chân thật Sự thảm bại lạnh lùng Vì ánh mắt của cô gái giờ mình tạm gọi người dưng? Thờ ơ thấy sợ Vì tuổi trẻ đi qua Ghi cho mình bao nhiêu là món nợ… Và cả vì nỗi sợ Một ngày tan vào cõi mênh mông. Lại gần tôi thêm chút nữa được không? Kể cho tôi nghe về ngày- mà bạn và tôi từng sống? Bầu trời có màu gì? Đám mây có màu gì? Bao mặt người chúng ta từng gặp Ai cũng nhớ nhớ quên quên Hãy ở lại bên tôi vào lúc cuối ngày Lúc ánh sáng cuối cùng của một ngày sắp tắt Chúng ta chỉ lặng nghe và nhắm mắt Xem ngọn gió đang bảo điều gì Có thể đó là những lời rầm rì Có thể đó là tiếng cười chê những kẻ tài cao mà chí thấp Có thể đó là hơi thở của mẹ Đất Mỗi ngày lại có bao nhiêu sự sinh sôi Như bóng tối, như ánh sáng Như tình yêu, như sự

Bao giờ “Bị Học” sẽ trở thành “Được học”

Chúng ta thường được đưa đến trường từ lúc còn rất nhỏ nhưng có phải lúc ở trường là lúc được học? Có phải lúc ngồi trong lớp, bên bạn bè và giáo viên là lúc được học? Câu chuyện hồi kí của Tara không trực tiếp trả lời cho câu hỏi đó nhưng nó là minh chứng thực tế và sống động nhất mà mình từng đọc về việc học và được học. “Được học” với Tara là khi những câu chữ, những lời giảng tựa như những viên nam châm thu hút Tara một cách tự nhiên nhất, khơi gợi trong cô sự tò mò và hào hứng không tưởng để rồi cô ấy tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, chứ không phải là ai khác. Điều đó nghe có vẻ bình thường nhưng rất đỗi thiêng liêng nếu một ai đó đã từng trải qua cảm giác và tuổi trẻ “học vì ai đó”, tuổi trẻ “bị học” chứ không phải tự trong bản thân người đó mong ước như thế. Hành trình của Tara dài và tưởng như vô tận. Mình có cảm giác nó là một con lắc, tịnh tiến và không thể thoát ra khỏi sợi dây vô hình của những mặc định và định kiến của tuổi thơ. Nhưng sức mạnh ý chí và tình yêu lớn