Chuyển đến nội dung chính

Israel - Thấy người ngẫm ta!


Lâu lắm mới có động lực đọc hết một cuốn sách trong hơn 1 tuần. Thực sự sách lịch sử đối với mình khô khan, khó nhằn và mình cũng không nghĩ có quyển nào thu hút được mình kiểu như rứa. Lúc đọc được khoảng 30 trang đầu, mình đã thấy bị nhàm chán, không có động lực đọc tiếp vì khô khan quá, văn phong thì nghiêm túc nhưng quả thực câu chuyện hay phải cần kiên nhẫn. Thế là, mình cố gắng đọc thêm xem sao, xem có gì hay hơn không? Quả thực, hơn cả kỳ vọng! Israel hay Do Thái thì không xa lạ với nhiều người vì sách báo đã nói quá nhiều về họ, về trí thông minh của họ. Nhưng quả thực quyển sách này đã cho mình nhận ra một điều: Không có điều gì tự nhiên mà thành, cũng không có con đường thẳng nào dẫn đến thành công mà không qua bao núi đèo trắc trở.
Có những ngày mình buồn, một cái buồn “vô duyên” chỉ vì đang đọc ở chương về những xung đột và lịch sử. Thật sự mình đã mong rằng đọc xong chương này thật nhanh nhưng đọc mãi đọc mãi vẫn cứ thấy chiến tranh. Mở màn từ 1840 và mình đã nghĩ là chắc đến năm 2000 thì mọi sự của họ sẽ ổn thôi nhưng mãi mãi mãi vẫn thấy xung động, vũ khí và hiệp ước. Những năm 2000 VN mình đã dần ổn định, mọi thứ bắt đầu tốt lên, hiện đại vậy mà không nghĩ rằng ở một nơi xa con người ta vẫn chịu bao nhiêu khó khăn, thách thức, lo sợ bởi thù địch, vũ khí, mất mát. Cứ tưởng yên ổn rồi lại không mãi cho đến 2014 và đến tận ngày nay. Mình chưa bao giờ đọc nhiều về lịch sử, cũng không có niềm yêu thích lắm và cũng chưa bao giờ hai từ chiến tranh lại làm mình nhiều suy nghĩ rứa. Mình chưa bao giờ mường tượng được có một đất nước mà ở đó sa mạc bao trùm, khí hậu khắc nghiệt rồi lại chịu tổn thất dài đằng đẵng bởi chiến tranh như rứa… Cái cảm giác rất lạ, cứ thấy khó chịu ở trong lòng. Thấy thương! Rồi cũng đến chương về kinh tế, một bức tranh hoàn toàn trái ngược. Chiến tranh đó, mất mát đó, đau thương đó nhưng họ chưa bao giờ dừng việc làm kinh tế, họ cố gắng, họ nỗ lực phi thường để trở nên độc lập về kinh tế. Chiến tranh đi đôi với mất mát, kinh tế chắc chắn suy yếu, người dân nghèo đói nhưng KHÔNG, không có hai từ “chấp nhận” ở đây. Họ vươn lên, họ lấy những hạn chế làm cơ sở để phát triển, để tư duy và hành động khác đi. Đó là người Do Thái, đó là Israel. Quả thực, đọc đến những chương cuối cùng mình không nhớ gì nhiều ngoài một điều “Nỗ lực phi thường của con người sẽ làm được tất cả mọi thứ ngay cả trong nghịch cảnh”. Quả thực, một dân tộc đáng học hỏi, một dân tộc thông minh nhưng điều làm cho những đất nước khác phải kính nể chính là NỖ LỰC CỦA CON NGƯỜI.
Lúc đọc chương cuối, mình vẫn có một câu hỏi trong đầu: “Chắc hẳn Israel có một thế hệ chấp nhận hy sinh thế hệ mình, bỏ qua những tư lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước? Điều đó là gì nhỉ?”
Cuối cùng câu chuyện cũng hé mở với từ khóa Kibbutz. Nếu ai cũng tư lợi riêng cho mình và chẳng mảy may đến cộng đồng mình liệu dân tộc đó có phát triển không? Mình tin là không. Và Israel đã chứng minh điều đó: họ đào tạo ra một thế hệ không nói là tất cả nhưng là một số lượng nhiều hàng trăm ngàn người chịu chấp nhận từ bỏ quyền lợi cá nhân để cùng đóng góp cho sự phát triển của cả một cộng đồng. Thật là đáng quý! Rồi đến lúc nào người Việt mình mới được 1 phần như rứa. Dẫu rằng có rất nhiều người tốt nhưng họ lại lẻ tẻ, không đồng bộ thì cũng khó mà thay đổi đời sống chung của dân mình. Nhìn ở chốn SG hoa lệ hay các thành phố khác đèn điện, thức ăn, nước uống, vui chơi đầy đủ như vậy nhưng có những ngóc ngách của SG khiến ta phải hoảng sợ, 6 người sống trong 5m2, có người nghèo đến mức không biết thịt là gì cả, có người già đã 80 tuổi vẫn hằng ngày phải gom ve chai mưu sinh, một tháng phải đóng tiền nhà 600.000Đ xung quanh không có một ai. Vậy thì câu hỏi tiền nhiều để làm gì không cần hỏi nữa? Câu trả lời đã rất rõ ràng vì có muôn ngàn thứ cần làm để bản thân mình có, người khác cũng có mới là một xã hội đáng sống, đáng mơ ước.
Thật may vì có một Israel đáng học hỏi nhiều như rứa, thật may vì có một mô hình Kibbutz hay như rứa rồi lại có thêm bao nhiêu điều học hỏi từ một Thiên Hoàng Minh Trị với tư duy dám nói dám làm để canh tân đất nước. Chẳng có gì bí mật cả, tất cả chỉ cần một click ở Google, tất cả chỉ cần chịu khó học nhưng cái khoảng cách xa vời vợi không phải vì núi cao, biển rộng mà ở “lòng người ngại núi e sông”.
Lúc nào dân VN mình mới tốt lên, giàu có hơn, hạnh phúc hơn. Chắc cần đến những thế hệ vàng như của Israel …
“Kibbutz: Mô hình làng cộng đồng của ISRAEL
Kibbutz là một cộng đồng nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới hiện vẫn còn tồn tại ở Israel, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống; thực hiện lý tưởng một xã hội công bằng.
Kibbutz sơ khai là những nông trại cộng đồng, nghĩa là các nông dân cùng làm việc và phân chia tài sản thu được theo nguyên tắc bình quân. Tài sản như đất đai, nhà cửa và trang thiết bị, nhà máy và các công cụ đều thuộc sở hữu của Kibbutz , tức là sở hữu chung của cả cộng đồng. Không có tài sản tư nhân vì khi gia nhập Kibbutz các thành viên chuyển tất cả tài sản của họ cho cộng đồng. Các kibbutz đáp ứng tất các các nhu cầu của các thành viên và gia đình của họ thông qua việc tổ chức một mạng lưới các dịch vụ như các nhà ăn cộng đồng, các tổ giặt ủi chuyên trách, dịch vụ và cơ sở vật chất khác. Toàn bộ lương của các thành viên đều được nộp tất cả cho Kibbutz để đóng góp cho các hoạt động chung. Mỗi thành viên của Kibbutz đều được chăm sóc tất cả mọi mặt từ khi ra đời. Kibbutz sẽ lo hết cho các nhu cầu của cộng đồng, từ ăn ở, đi lại, học hành cho con trẻ.
Khi Israel bước vào công nghiệp hóa đất nước vào những năm 1950 – 1960, các nông trại này đã bắt nhịp với sự phát triển công nghiệp đi liền với nông nghiệp. Một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Israel sản xuất tại các Kibbutz, song công nghiệp mới là thế mạnh của các Kibbutz. Sản phẩm từ các Kibbutz thời kỳ này chiếm đến 80% sản lượng công nghiệp (chủ yếu là công nghiệp thực phẩm và máy móc thiết bị) và chiếm khoảng 20% sản lượng nông nghiệp quốc gia.
Về đi lại, ai cần đi xa có thể lấy ô tô của Kibbutz, đổ xăng miễn phí rồi tùy ý sử dụng. Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ô tô riêng. Mỗi Kibbutz có khoảng ô tô con các loại để tại bãi xe có người quản lý. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website Kibbutz tìm chọn những xe nào có sẵn rồi tới bãi xe lấy chìa khóa ô tô. Xăng xe, chi phí sửa chữa và các phí khác cho xe di Kibbutz chịu trách nhiệm.
Về ăn uống, nhà ăn tập thể cung cấp ngày hai bữa sáng và trưa cho tất cả các thành viên. Riêng bữa tối, các gia đinh tổ chức ăn ở nhà để gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình. Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn, bao gồn các món ăn cao cấp, không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn hạng sang.
Về nhà cửa, Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị, sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước gas cho các gia đình xã viên. Mỗi căn nhà giống như một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi theo nhu cầu của chủ nhà.
Về giáo dục, trong thời kì đầu mới thành lập, trẻ em của các hộ gia đình được tập trung lại để giáo dục theo lối giáo dục sớm của người Do Thái. Chúng có thể về với cha mẹ vào những buổi chiều hoặc những ngày cuối tuần. Ở mẫu giáo, trẻ em được các bảo mẫu chăm sóc và giáo dục tại nhà trẻ tập trung. Khi đến cấp học cao hơn, các trẻ được chỉ định làm việc phù hợp với khả năng: nhỏ là những việc đơn giản, vừa sức, lớn hơn phải làm một số việc trong Kibbutz và ở cấp trung học, mỗi tuần chúng phải dành ra một ngày làm một công việc trong một ngành nào đó trong nền kinh tế Kibbutz. Ngoài ra, Kibbutz còn có sự hỗ trợ nhất định cho những trẻ em có tài năng nổi trội cần có một môi trường đặc biệt để phát triển.
Kibbutz có một vị trí đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển Nhà nước Israel. Các Kibbutz đóng vai trò chủ đạo trong các quyết định mang tính quốc gia, thậm chí là cả trước khi nhà nước Israel ra đời trong các lĩnh vực như: định hướng tư tưởng cho thanh niên, hỗ trợ những người nhập cư mới. Đáng chú ý nhất là việc một số lượng lớn những người dân Kibbutz đã và đang phục vụ trong các ngành khác nhau trong lực lượng quốc phòng Israel kể từ khi thành lập Nhà nước với một tỷ lệ phần trăm lính tình nguyện cao; phục vụ trong các đơn vị quân sự có uy tín. Các Kibbutz đã rất xuất sắc trong sáng tạo, đổi mới, kết hợp văn hóa truyền thống của người Do Thái với những yếu tốt mới giúp thăng hoa những điểm đặc sắc của Israel.
Một số mô hình tổ chức nông nghiệp như Nông trang tập thể của Liên Xô cũ, Công xã nhân dân của Trung Quốc hay Hợp tác xã của Việt Nam vào những năm 1950 – 1960 cũng đã xây dựng theo tiêu chí tương tự như Kibbutz. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các mô hình này đã thất bại và bị “khai tử” thì Kibbutz vẫn sống khỏe và đang chuyển mình rất mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang mô hình quản lý hiện đại, có các trung tâm nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, thiết bị quốc phòng,..
Tính đến năm 2013, có khoảng 273 Kibbutz nằm rải rác khắp đất nước Israel với số dân lên đến gần 152.000 dân. Doanh thu từ các Kibbutz vượt quá 32 tỷ Shekel, với gần 70% là từ sản lượng của 350 nhà máy sản xuất và các tập đoàn công nghiệp, xuất khẩu vượt 12 tỷ. Mặc dù chỉ chiếm hơn 2% dân số Israel nhưng đóng góp của người dân Kibbutz cho nền sản xuất trong nước lại vượt xa tỷ lệ này bởi vì họ đã tạo ra khoảng 38% sản phẩm nông nghiệp và sản xuất khoảng 8.4% sản lượng công nghiệp.”

(Trích “Câu chuyện Do Thái – Lịch sử thăng trầm của một dân tộc”)



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trò chơi Trí Uẩn - Tự hào Việt Nam

Có cách nào để trẻ con bớt chơi điện thoại? Lúc trước không có điện thoại mấy đứa trẻ sẽ chơi gì hè? Trò chơi này có lẽ sẽ là câu trả lời rất hay. Đây là quyển sách được ba mình mua cho từ thời lớp 7, lớp 8 gì đó. Lúc đó không hiểu sao chỉ thích mỗi cuốn này và rồi nó mang lại bao nhiêu kí ức đẹp! Dù bây giờ nó không còn vẻ mới mẻ, tinh tươm nhưng bên trong vẫn nguyên vẹn cùng với tinh thần của nó. Trò chơi này gọi là trò chơi Trí Uẩn. Có lẽ đây là trò chơi trí tuệ hàng đầu và rất thuần Việt. Cách chơi cực kì đơn giản: sáng tạo hình chỉ từ 7 miếng ghép gỗ. Bộ đồ chơi từ 7 miếng ghép xếp này được in thành sách vào năm 1956 và được Bác Hồ đặt tên là trò chơi Trí Uẩn (người sáng tạo ra trò chơi này). Thực sự, giờ tìm lại rất khó vì nó không còn xuất bản nữa. Mình may mắn vẫn còn giữ được nó. Bộ này không chỉ có sách mà còn có bộ gỗ 7 miếng. Chắc có lẽ đây là trò chơi mình thích nhất vì đơn giản nhưng cần rất nhiều sự sáng tạo. Và hay nhất ở chỗ mỗi nhóm hình sẽ được minh họa bằng nhữn

"Hãy ở lại bên tôi vào lúc cuối ngày" - Thơ Trần Việt Anh

"Hãy ngồi lại cùng tôi vào lúc cuối ngày Lúc những mặt người đã nhuốm màu mệt mỏi Chỉ ngồi cạnh tôi thôi và đừng bao giờ hỏi Vì sao? Vì những tháng ngày đất thấp trời cao? Vì những ước vọng lớn lao Mà áo cơm lại ghì sát đất Vì đã tất tay cho ván bài cược bằng chân thật Sự thảm bại lạnh lùng Vì ánh mắt của cô gái giờ mình tạm gọi người dưng? Thờ ơ thấy sợ Vì tuổi trẻ đi qua Ghi cho mình bao nhiêu là món nợ… Và cả vì nỗi sợ Một ngày tan vào cõi mênh mông. Lại gần tôi thêm chút nữa được không? Kể cho tôi nghe về ngày- mà bạn và tôi từng sống? Bầu trời có màu gì? Đám mây có màu gì? Bao mặt người chúng ta từng gặp Ai cũng nhớ nhớ quên quên Hãy ở lại bên tôi vào lúc cuối ngày Lúc ánh sáng cuối cùng của một ngày sắp tắt Chúng ta chỉ lặng nghe và nhắm mắt Xem ngọn gió đang bảo điều gì Có thể đó là những lời rầm rì Có thể đó là tiếng cười chê những kẻ tài cao mà chí thấp Có thể đó là hơi thở của mẹ Đất Mỗi ngày lại có bao nhiêu sự sinh sôi Như bóng tối, như ánh sáng Như tình yêu, như sự

Bao giờ “Bị Học” sẽ trở thành “Được học”

Chúng ta thường được đưa đến trường từ lúc còn rất nhỏ nhưng có phải lúc ở trường là lúc được học? Có phải lúc ngồi trong lớp, bên bạn bè và giáo viên là lúc được học? Câu chuyện hồi kí của Tara không trực tiếp trả lời cho câu hỏi đó nhưng nó là minh chứng thực tế và sống động nhất mà mình từng đọc về việc học và được học. “Được học” với Tara là khi những câu chữ, những lời giảng tựa như những viên nam châm thu hút Tara một cách tự nhiên nhất, khơi gợi trong cô sự tò mò và hào hứng không tưởng để rồi cô ấy tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, chứ không phải là ai khác. Điều đó nghe có vẻ bình thường nhưng rất đỗi thiêng liêng nếu một ai đó đã từng trải qua cảm giác và tuổi trẻ “học vì ai đó”, tuổi trẻ “bị học” chứ không phải tự trong bản thân người đó mong ước như thế. Hành trình của Tara dài và tưởng như vô tận. Mình có cảm giác nó là một con lắc, tịnh tiến và không thể thoát ra khỏi sợi dây vô hình của những mặc định và định kiến của tuổi thơ. Nhưng sức mạnh ý chí và tình yêu lớn